Logo
CẨM NANG  Cẩm nang Digital Marketing

Định vị thị trường là gì? Lý do và các bước định vị thị trường

02:28 | 19/04/2024
Giữa thị trường rộng lớn với rất nhiều thương hiệu cạnh tranh với nhau, phải làm sao để thương hiệu của bạn trở nên nổi bật? Lúc này, điều cần làm chính là định vị thị trường cho doanh nghiệp của bạn. Vậy định vị thị trường là gì? Cùng Vinalink tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Định vị thị trường là gì?

Định vị thị trường (Market Positioning) là quá trình doanh nghiệp xác định USP (Unique Selling Point), tức những điểm độc đáo, mới lạ và khác biệt trong sản phẩm của mình để quảng bá nó ra ngoài thị trường, nhằm tạo dấu ấn của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.

Định vị thị trường là bước quan trọng đầu tiên các doanh nghiệp cần làm trong chiến lược marketing để xác định vị thế của mình trên thị trường rộng lớn. Đây cũng là bước đầu để gây ấn tượng và tạo lòng tin với khách hàng tiềm năng.

Định vị thị trường là cách doanh nghiệp xây dựng hình ảnh của mình trở nên nổi bật
Định vị thị trường là cách doanh nghiệp xây dựng hình ảnh của mình trở nên nổi bật

2. Tại sao cần định vị thị trường

Vậy vai trò của định vị thị trường là gì mà quan trọng trong chiến lược tiếp thị như thế? Cùng Vinalink điểm qua 6 lý do dưới đây:

2.1. Tạo sự khác biệt

Các đối thủ trên thị trường của bạn là nhiều vô số kể. Cùng một ngành hàng, một sản phẩm, nếu bạn không có đặc điểm gì khác biệt thì rất khó để gây ấn tượng trong lòng khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm ra USP của mình để tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

2.2. Dễ dàng tiếp cận khách hàng mục tiêu

Định vị thị trường giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu hơn. Lúc này bạn sẽ biết được đâu là khách hàng tiềm năng có khả năng trung thành với sản phẩm của mình, đưa ra những chiến lược tiếp thị với ngân sách và phạm vi phù hợp.

2.3. Thúc đẩy dẫn đến hành động mua hàng

Cùng một ngành hàng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp cùng khai thác. Việc xác định rõ định vị của thương hiệu, xuất hiện thường xuyên trong tâm trí khách hàng giúp họ nghĩ đến doanh nghiệp của bạn đầu tiên và lựa chọn sử dụng sản phẩm đến từ doanh nghiệp bạn.

Khách hàng thường dễ đưa ra lựa chọn mua hàng với những thương hiệu nổi tiếng
Khách hàng thường dễ đưa ra lựa chọn mua hàng với những thương hiệu nổi tiếng

2.4. Giúp khắc sâu vào tâm trí khách hàng

Một thương hiệu định vị tốt, xây dựng được hình ảnh rõ ràng sẽ đi sâu vào tâm trí khách hàng hơn. Bởi lúc này doanh nghiệp của bạn sẽ được nhắc đi nhắc lại, xuất hiện nhiều lần nơi vị trí đầu tiên của ngành hàng trong mắt đối tượng mục tiêu, từ đó tạo nên hình ảnh quen thuộc và dễ nhớ.

2.5. Tăng khả năng cạnh tranh

Giữa một thị trường với đầy rẫy các thương hiệu, việc doanh nghiệp của bạn xác định rõ thế mạnh, xây dựng được định vị, định hướng rõ ràng sẽ gây được ấn tượng mạnh với khách hàng hơn. Từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.

2.6. Xây dựng nền tảng vững chắc

Định vị thị trường là bước đầu tiên trong việc xây dựng chiến lược marketing. Do đó làm tốt bước này, bạn sẽ có cho mình một nền móng vững chắc, một hướng đi rõ ràng đã được xác định để bám víu vào đó mà tiếp tục phát triển, xây dựng nhiều chiến lược phát triển hơn sau này.

Vai trò của định vị thị trường là gì trong việc xây dựng nền tảng?
Vai trò của định vị thị trường là gì trong việc xây dựng nền tảng?

3. Các mức độ định vị thị trường

Định vị thị trường bao gồm 4 mức độ sau:

  • Định vị địa điểm: định vị ở một hay nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
  • Định vị ngành: định vị trên một lĩnh vực/ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn như đồ gia dụng, thức uống cho trẻ em, nguyên vật liệu,...
  • Định vị doanh nghiệp: xác định các yếu tố về quy mô, kỹ thuật, vốn kinh doanh, chất lượng và hình ảnh sản phẩm,...

4. Chiến lược định vị thị trường phổ biến hiện nay

4.1. Dựa trên giá trị sản phẩm

Giá trị sản phẩm là yếu tố quyết định chỗ đứng của thương hiệu trên thị trường. Không phải vô cớ mà có những người sẵn sàng bỏ ra hàng chục hàng trăm triệu cho một chiếc túi xách. Giá trị sản phẩm làm người sở hữu cảm nhận thấy sang trọng, toát lên giá trị của chính bản thân. Hiểu được đặc điểm tâm lý này sẽ giúp thương hiệu định hình giá trị của sản phẩm tốt hơn.

Giá cả luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu trong chiến lược định vị thị trường
Giá cả luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

4.2. Dựa trên giá cả sản phẩm

Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến hành vi mua hàng của khách. Do đó, các doanh nghiệp cần định giá sản phẩm một cách kỹ lưỡng dựa trên chất lượng và thói quan người mua. Điều này tạo ra sự cân bằng cần thiết, đem đến sự tin tưởng và hài lòng cho khách hàng.

4.3. Dựa trên công dụng sản phẩm

Các doanh nghiệp cần xác định rõ công dụng của sản phẩm, tìm ra được cách mà nó giải quyết vấn đề của khách hàng, đâu là điểm độc đáo hơn so với đối thủ. Nhờ đó mới xây dựng được ấn tượng và lòng tin đối với sản phẩm.

4.4. Dựa trên chất lượng sản phẩm

Chất lượng tốt sẽ tạo được lòng tin và sự trung thành của khách hàng. Có nhiều cách và nhiều hình thức để doanh nghiệp cải tiến sản phẩm của mình. Họ có thể nghiên cứu cải tiến công nghệ, chất lượng, tạo nên các công dụng mới, thân thiện với người dùng hơn. Khi đó doanh nghiệp cũng có quyền đưa ra mức giá phù hợp với sản phẩm của mình.

Chất lượng sản phẩm tạo nên lòng tin của khách hàng
Chất lượng sản phẩm tạo nên lòng tin của khách hàng.

4.5. Dựa vào nhân khẩu học

Nhiều doanh nghiệp dựa vào yếu tố độ tuổi, giới tính hay vị trí địa lý để định vị sản phẩm của mình. Chẳng hạn như Johnson & Johnson hướng đến đối tượng là trẻ em, Romano là sản phẩm chuyên dùng cho nam giới, Ensure là thực phẩm dinh dưỡng hướng đến người già,...

5. 5 bước định vị thị trường hiệu quả

Bước 1: Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Nghiên cứu và phân tích đối thủ cạnh tranh là quá trình tìm hiểu về điểm mạnh, điểm yếu và tình hình hiện tại của họ. Dựa trên những thông tin đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xây dựng thương hiệu phù hợp để cạnh tranh. Các yếu tố bạn cần lưu ý khi nghiên cứu đối thủ là:

  • Thị phần: Nghiên cứu xem đối thủ đang phát triển ở thị trường nào, tương lai có mở rộng phạm vi hay không,...
  • Chiến lược quảng bá: Theo dõi xem đối thủ đang tiếp thị nên các nền tảng nào, chiến lược ra sao, hiệu quả mà những chiến dịch đó đem lại,...
  • Khách hàng mục tiêu: Tìm hiểu về đối tượng mà đối thủ đang hướng đến, mức độ gắn bó và trung thành ra sao.
  • Sản phẩm: Sản phẩm của họ có được ưa chuộng hay không, đâu là điểm khác biệt của nó so với những thương hiệu khác trên thị trường.
Hiểu rõ đối thủ giúp doanh nghiệp của bạn tự tin hơn trong định vị thị trường
Hiểu rõ đối thủ giúp doanh nghiệp của bạn tự tin hơn.

Bước 2: Xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường

Sau khi đã hiểu rõ về đối thủ, tiếp theo bạn cần hiểu rõ doanh nghiệp của mình. Bạn phải biết doanh nghiệp đang đứng ở trị trí nào trên thị trường, đem đến giá trị gì, thái độ của khách hàng đối với doanh nghiệp ra sao,... Những điều này có thể được đánh giá qua các tiêu chí dưới đây:

  • Lượt tìm kiếm thương hiệu: Dựa vào lượt tìm kiếm về thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm, bạn có thể biết doanh nghiệp của mình có phổ biến hay được quan tâm hay không.
  • Lượng tương tác trên các kênh truyền thông: Bạn có thể theo dõi số lượt tiếp cận, số lượt thích, bình luận và lượt share của các bài đăng trên các kênh truyền thông.
  • Lượt truy cập website của doanh nghiệp: Được đánh giá dựa trên số lượt click và thời gian ở lại website của khách hàng. Để nắm rõ điều này, bạn có thể sử dụng các công cụ như Google Analytic hay Google Search Console để hỗ trợ.

Bước 3: Tìm kiếm sự khác biệt của doanh nghiệp

Dựa trên những hiểu biết về đối thủ và chính mình, giờ là lúc thương hiệu cần làm rõ sự khác biệt. Bạn cần xác định rõ đâu là ngách mà mình có thể xen vào và nổi bật giữa thị trường rộng lớn, sản phẩm của bạn có thể đem đến điều gì đặc biệt cho khách hàng. Cụ thể, doanh nghiệp cần xác định rõ các yếu tố sau:

  • Doanh nghiệp của bạn truyền tải thông điệp gì, khác gì so với đối thủ?
  • Giá trị mà bạn đem đến cho khách hàng có khác biệt so với đối thủ không?
  • Bộ nhận diện thương hiệu đã độc đáo và làm nổi bật phong cách của doanh nghiệp hay chưa?
  • Mức độ tương tác với các chiến dịch quảng cáo có cao không, so với đối thủ như thế nào, có cần phải cải thiện hay không?
Coca Cola cùng bộ nhận diện của Tết 2024
Coca Cola cùng bộ nhận diện của Tết 2024

Bước 4: Xây dựng chiến lược định vị thị trường phù hợp

Sau khi đã có đủ các thông tin cần thiết về thị trường, đối thủ cũng như chính doanh nghiệp, bước tiếp theo bạn cần xây dựng chiến lược định vị phù hợp. Đây là bước quan trọng nhất, là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo sau này. Để định vị hiệu quả, doanh nghiệp có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây:

  • Chiến lược cần đơn giản, dễ hiểu;
  • Các yếu tố để xây dựng chiến lược cần đo lường được;
  • Đặt ra thời gian cụ thể cho từng giai đoạn;
  • Các hoạt động trong từng giai đoạn hay giữa giai đoạn với giai đoạn cần có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Bước 5: Đánh giá hiệu quả chiến lược

Khi đã xây dựng được chiến lược định vị thị trường phù hợp, doanh nghiệp cần triển khai thực tế, đồng thời theo dõi thường xuyên. Việc theo dõi sẽ giúp bạn biết được chiến lược có đang đi đúng hướng hay không, có tạo ra tác động hay thay đổi mạnh mẽ nào hay không để điều chỉnh và phát triển cho phù hợp.

Khi đánh giá, cần sử dụng các con số cụ thể để cho ra kết quả chính xác nhất, làm cơ sở để điều chỉnh chiến lược đem đến sự thay đổi tích cực cho doanh nghiệp.

Các chỉ số cụ thể giúp việc đánh giá thương hiệu dễ dàng hơn
Các chỉ số cụ thể giúp việc đánh giá thương hiệu dễ dàng hơn.

Hiểu được tầm quan trọng của định vị thị trường, trong bài viết trên, Vinalink đã giải đáp tất tần tật về định vị thị trường là gì, định vị sản phẩm là gì cũng như chiến lược khác biệt hóa so với các đối thủ cạnh tranh. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích trên hành trình kinh doanh của bạn.

 
Call Zalo Messenger