CPA là gì? Tầm quan trọng và điều kiện nhận chứng chỉ CPA
00:44 | 16/01/2024
Chứng chỉ CPA là gì? Tầm quan trọng của chứng chỉ CPA đối với những người làm trong ngành kế toán - kiểm toán là gì? Cần đáp ứng điều kiện gì để có thể được nhận chứng chỉ CPA? Nếu bạn đang quan tâm đến những câu hỏi này, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Vinalink để có được câu trả lời nhé!
1. CPA là gì?
CPA (Certified Public Accountants) là chứng chỉ dùng để chỉ những kiểm toán viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm được chứng nhận trên toàn cầu. CPA chính là một công cụ để đảm bảo năng lực, tính chuyên nghiệp của kiểm toán viên. Tại Việt Nam, CPA được Bộ Tài chính tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
2. Tầm quan trọng của chứng chỉ CPA
Chứng chỉ CPA là một chứng chỉ quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho người sở hữu nó:
Kiếm được nhiều tiền hơn: Trung bình, những người sở hữu CPA kiếm được nhiều hơn những người không có chứng chỉ CPA, khi trình độ học vấn và kinh nghiệm tương tự nhau
Nhiều cơ hội việc làm hơn: Khi có CPA cho phép bạn theo đuổi nhiều con đường sự nghiệp khác nhau trong lĩnh vực kế toán. Bạn cũng có thể làm ở nhiều nơi khác nhau như công ty kế toán công, công ty tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận hay cơ quan chính phủ, nhà nước.
Thể hiện sự kiên trì: CPA là một kỳ thi đầy thử thách và khắt khe, đòi hỏi bạn cần phải kiên trì trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể đạt được chứng chỉ này.
Sự tín nhiệm: Sở hữu chứng chỉ CPA giúp tăng sự tín nhiệm từ nhà tuyển dụng, ban lãnh đạo, khách hàng và đối tác.
3. Chức năng của chứng chỉ CPA
Chứng chỉ CPA là minh chứng cho kỹ năng, năng lực và sự chuyên nghiệp của một kế toán - kiểm toán viên. Sở hữu CPA có thể giúp kế toán viên nâng cao thương hiệu cá nhân và chứng minh được năng lực của bản thân. Kế toán viên có thể thực hiện các chức năng công việc như:
Làm cố vấn tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp.
Xác định các vấn đề về tài chính và xây dựng kế hoạch hoàn thiện các quy trình, chính sách và thủ tục nội bộ của công ty.
Hoạch định kế hoạch tài chính trong các giai đoạn tiếp theo cho doanh nghiệp.
Tư vấn về rủi ro tài chính liên quan đến việc triển khai các dự án mới hay sáp nhập.
Phân tích các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, quản lý đầu tư, quản lý sổ sách kế toán, kiểm toán, thuế, …
4. Kỳ thi chứng chỉ CPA tại Việt Nam
Kỳ thi chứng chỉ CPA tại Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức thi, các quy định về đối tượng, điều kiện thi, phạm vi công nhận, hồ sơ dự thi, các môn thi, thể thức thi và quy trình tổ chức thi như sau:
Đối tượng dự thi CPA
Đối tượng dự thi CPA là tất cả người Việt Nam và người nước ngoài đáp ứng được đầy đủ các điều kiện dự thi và một số quy định chung.
Điều kiện dự thi CPA
Để dự thi CPA, Theo Điều 4, Thông tư 91/2017/TT-BTC, người tham gia thi cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số tiết học cả khóa học.
Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.
Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định.
Phạm vi công nhận của chứng chỉ CPA Việt Nam
Chứng chỉ CPA Việt Nam được công nhận tại Việt Nam. Tại Úc, CPA VIệt Nam được công nhận từng phần, cụ thể là được miễn 3/12 môn thi CPA Úc.
Hồ sơ dự thi chứng chỉ CPA
Người dự thi CPA cần chuẩn bị hồ sơ dự thi bao gồm:
Phiếu đăng ký dự thi hợp lệ.
Thẻ dự thi hợp lệ.
Sơ yếu lý lịch.
3 ảnh màu cỡ 3x4 và phong bì theo quy định.
Bản sao công chứng Căn cước công dân.
Bản sao Bằng tốt nghiệp.
Các môn thi của CPA Việt Nam
Chứng chỉ dành cho kế toán viên gồm 4 môn thi viết, mỗi môn có thời gian thi là 180 phút. Các môn thi gồm:
Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp.
Tài chính và quản lý tài chính nâng cao.
Thuế và quản lý thuế nâng cao.
Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
Chứng chỉ dành cho kiểm toán viên sẽ bao gồm 7 môn thi viết, mỗi môn có thời gian thi là 180 phút (riêng môn ngoại ngữ 120 phút). 7 môn thi gồm 4 môn giống như các môn thi dành cho kế toán viên và thêm 3 môn thi sau:
Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao.
Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.
Ngoại ngữ trình độ C của Anh/ Nga/ Pháp/ Trung Quốc/ Đức.
Thể thức thi
Các môn thi đều là dạng thi viết, trong đó chỉ có môn thi ngoại ngữ (của chứng chỉ kiểm toán viên) có thời gian thi là 120 phút, các môn thi còn lại có thời gian thi là 180 phút.
Quy trình tổ chức kỳ thi chứng chỉ CPA
Quy trình tổ chức kỳ thi chứng chỉ CPA
Kỳ thi chứng chỉ CPA tại Việt Nam sẽ được Bộ Tài chính tổ chức thi mỗi năm một lần vào quý 3 hoặc quý 4. Hội đồng thi sẽ thông báo chính thức qua các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, địa điểm thi cùng các thông tin cần thiết khác ít nhất trước 36 ngày.
Trong khoảng thời gian chậm nhất 36 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Hội đồng thi phải công bố kết quả thi từng môn cho tất cả các thí sinh. Trong trường hợp đặc biệt thời gian công bố kết quả thi bị kéo dài thì cũng không được kéo dài quá 30 ngày.
5. Điều kiện giúp nhận được chứng chỉ CPA
Điều kiện để nhận được chứng chỉ CPA là phải đạt được tổng điểm trên 38 điểm trở lên cho 6 môn thi (không bao gồm ngoại ngữ) và mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên. Theo thống kê thì mỗi năm có khoảng 4000 - 5000 người đăng ký dự thi chứng chỉ CPA nhưng chỉ có khoảng 10% đủ điều kiện nhận chứng chỉ.
6. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ CPA
Theo Thông tư mới số 296/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016, chứng chỉ CPA có thời hạn tối đa là 60 tháng (tương đương với 5 năm), nhưng không được quá ngày 31 tháng 12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có hiệu lực.
7. Những kỹ năng CPA cần phải có
Không có một quy chuẩn chung nào về các kỹ năng mà một CPA phải sở hữu. Tuy nhiên, có một số kỹ năng rất quan trọng mà những CPA cần có như:
Kỹ năng kỹ thuật: Một CPA cần có kiến thức về phần mềm kế toán để thực hiện nhiệm vụ công việc một cách hiệu quả. Ngoài ra, kế toán viên hiện đại cũng nên trang bị thêm cho mình các kỹ năng kỹ thuật như phân tích thống kê, khai thác dữ liệu …
Kỹ năng sắp xếp, quản lý công việc: Kỹ năng này giúp người kế toán biết cách tổ chức công việc, chuẩn bị các báo một cách chính xác, sắp xếp tài liệu và theo dõi các mốc thời gian quan trọng như khai thuế, kiểm toán … Kỹ năng tổ chức thực sự cần thiết bởi thông thường mỗi kế toán thường thực hiện nhiều dự án cùng một lúc nên việc sắp xếp công việc một cách hệ thống là rất quan trọng.
Tư duy phản biện: Một CPA cần có khả năng nhìn nhận bức tranh tài chính tổng thể và một tư duy phản biện sắc sảo. CPA cần có khả năng phân tích dữ liệu và đặt nó vào ngữ cảnh thực trạng để đưa ra các đề xuất hợp lý, thuyết phục.
Kỹ năng giao tiếp: Một CPA cần có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, cả bằng văn bản và lời nói. Kỹ năng này sẽ giúp ích cho CPA làm việc, trao đổi thông tin tốt hơn với đồng nghiệp, quản lý, nhân viên và khách hàng.
Chú ý đến chi tiết: Nghề kế toán đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối bởi mọi công việc của kế toán nếu sai sót có thể gây ra hậu quả tài chính nghiêm trọng cho doanh nghiệp, khách hàng.
Kỹ năng phân tích: Người kế toán cần có kỹ năng phân tích để giúp cho doanh nghiệp phát hiện ra các vấn đề tài chính còn tồn đọng, đưa ra các đề xuất dựa trên phân tích giúp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Nhạy bén trong kinh doanh: Kỹ năng này không chỉ cần thiết với một kế toán viên mà còn rất quan trọng đối với bất kỳ ngành nghề nào. CPA cần hiểu được các nguyên tắc và chiến lược kinh doanh cơ bản để có thể tư vấn cho ban lãnh đạo về các quyết định của họ tác động đến tình hình tài chính như thế nào và ngược lại, tình hình tài chính hiện tại có thể ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh.
8. Cơ hội việc làm và mức lương của CPA?
Theo thống kê của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, tại Việt Nam hiện nay có hàng trăm công ty kiểm toán độc lập đang hoạt động và nhu cầu tuyển dụng vị trí kiểm toán viên là rất cao. Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang có nhu cầu tuyển dụng các nhân viên kiểm toán chất lượng.
Các nhân viên CPA cũng có mức đãi ngộ rất hấp dẫn do đặc thù tính chất công việc rất quan trọng. Theo ước tính, thu nhập trung bình của một kiểm toán viên tại Việt Nam rơi vào khoảng 400 – 500 USD / tháng khi sở hữu CPA Việt Nam. Còn đối với các kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ CPA Hoa Kỳ, CPA Úc … thì mức đãi ngộ nhận được có thể từ 1.000 – 2.000 USD /tháng tùy vào số năm kinh nghiệm.
Kết luận:
Qua bài viết, Vinalink đã giải đáp câu hỏi CPA là gì đồng thời chia sẻ các thông tin cần thiết về kỳ thi chứng chỉ CPA tại Việt Nam. Đây là một chứng chỉ quan trọng giúp kế toán viên có thêm nhiều cơ hội việc làm và được hưởng mức đãi ngộ cao hơn. Nếu bạn muốn sở hữu CPA, hãy kiên trì trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết Vinalink đã nêu trong bài bạn nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!