CẨM NANG  Cẩm nang Digital Marketing

[Tất tần tật] Bộ câu hỏi phỏng vấn thông dụng mà bạn nên biết

20:03 | 17/09/2023
Phỏng vấn xin việc chưa bao giờ luôn là cơ hội và thử thách. Bạn là ứng viên chuẩn bị phỏng vấn nhưng chưa có kinh nghiệm, hoặc là nhân viên kinh nghiệm nhưng đã quá lâu chưa nhảy việc nên không biết phỏng vấn thời nay thế nào? Hãy chuẩn bị phỏng vấn thành công với bộ các câu hỏi phỏng vấn được tổng hợp tất tần tật và chi tiết theo từng mục sau đây.

Câu hỏi về cá nhân - Giới thiệu đầu buổi phỏng vấn

Mở đầu các buổi phỏng vấn, sau khi chào hỏi thì thông thường sẽ là phần yêu cầu giới thiệu bản thân cho ứng viên. Nguyên tắc của một phần giới thiệu tốt là ngoài việc tóm tắt lại những thông tin trong CV (sơ yếu lí lịch) thì ứng viên nên chú trọng thêm thông tin làm nổi bật các ưu điểm của bản thân, không nên lặp lại toàn bộ những gì đã ghi. Ngoài ra cũng nên tránh giới thiệu quá nhiều thông tin thừa - không có giá trị làm nổi bật ưu điểm hoặc các thông tin quá riêng tư. 

bộ câu hỏi phỏng vấn 1

Với một số trường hợp mà người phỏng vấn đã xem CV kĩ lưỡng đồng thời không có quá nhiều thời gian thì họ sẽ hỏi trực tiếp vào những điểm thắc mắc hoặc để xác nhận rõ hơn các thông tin trong CV của ứng viên như: 

  • Bạn cân đối thời gian cho công việc và gia đình ra sao?
  • Bạn nói rằng bạn thích giao tiếp, gặp gỡ nhưng sở thích của bạn là nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch một mình, hai điều này có mâu thuẫn không?
  • Cuốn sách em thích nhất là gì? Vì sao?
  • Vì sao bạn lại thích công việc chăm sóc khách hàng - rất áp lực vả thường xuyên nghe phàn nàn?
  • Thành tích tốt nhất của bạn trước đây là gì?

Câu hỏi về kiến thức chuyên môn

Để kiểm tra trình độ của ứng viên, người phỏng vấn có thể đưa ra các câu hỏi chuyên môn tùy theo ngành nghề và vị trí tuyển dụng. Kiến thức ở đây bao gồm cả kiến thức lí thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Đó là lí do mà ứng viên chắc chắn cần ôn lại kiến thức chuyên ngành trước khi đi phỏng vấn.

Với sinh viên mới ra trường, đa phần sẽ được hỏi các câu chuyên môn đã học ở trường. Còn với ứng viên đã có kinh nghiệm thì đôi khi phần này sẽ được lồng ghép vào trong ‘’Câu hỏi tình huống’’ - mà phần tiếp sẽ theo đề cập.

Nguyên tắc trả lời và đánh giá cho kiến thức chuyên môn là thông tin đưa ra chính xác, càng chi tiết càng tốt, không nên sai cơ bản và không cần sự dẫn dắt. 

bộ câu hỏi phỏng vấn 2

Ví dụ cho một vài câu hỏi chuyên ngành:

  • Ngành Dược: Em biết những nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp nào? 
  • Ngành kế toán: em thành thạo và thích sử dụng phần mềm nào nhất? Vì sao?
  • Ngành xây dựng: khi trần bê tông nứt thì nguyên nhân có thể là gì?

Câu hỏi tình huống trong phỏng vấn

Câu hỏi tình huống hay còn gọi là câu hỏi phản ứng. Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một tình huống cụ thể để ứng viên phải xử lý dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của mình. Ví dụ:

  • Khi một khách hàng phàn nàn giá sản phẩm công ty tăng lên 10% so với trước đây là quá đắt thì bạn sẽ trả lời thế nào?
  • Khi hai thành viên trong team mâu thuẫn, không muốn làm việc cùng nhau thì bạn xử lý ra sao? (Câu hỏi cho quản lý nhóm)
  • Tình huống áp lực nhất trong công việc trước giờ là gì? Bạn đã làm thế nào để vượt qua?
  • Khi gặp một vấn đề khó khăn trong công việc như khách hàng VIP muốn ngưng hợp tác thì các bước xử lý tình huống của em sẽ bao gồm như thế nào?
bộ câu hỏi phỏng vấn 6
 

Nguyên tắc cho phần trả lời này chia làm hai phương hướng cho ứng viên chưa có kinh nghiệm hoặc đã có kinh nghiệm.

  • Với ứng viên đã có kinh nghiệm thì nên áp dụng kinh nghiệm trước đây, vạch ra phương án giải quyết tình huống hợp lí theo thứ tự các bước một cách có hệ thống và hoàn chỉnh (như một quy trình). 
  • Với ứng viên chưa có kinh nghiệm thì thực tế nhà tuyển dụng không cần một câu trả lời hoàn chỉnh mà là muốn xem xét khả năng phản ứng nhanh nhạy, ứng viên có sáng tạo không, có dễ bỏ cuộc hoặc vội vàng hấp tấp không?..

Điểm đặc biệt của phần câu hỏi tình huống này là người phỏng vấn sẽ dựa trên câu trả lời của ứng viên mà tiếp tục hỏi khai thác sâu hơn. Chính vì thế để không bị ‘’dẫn dắt đi vào ngõ cụt’’ là ứng viên cần luôn bình tĩnh, bám sát câu trả lời và các bước xử lý đã vạch ra. Một số tình huống quá khó hoặc không thể giải quyết ngay được thì cũng không sao cả, nhà tuyển dụng cần nhìn thấy là khả năng bình tĩnh, phán đoán và sự nhiệt tình, làm chủ cảm xúc từ ứng viên.

Câu hỏi thái độ - Xuất hiện xuyên suốt cuộc phỏng vấn

Người ta thường có câu ‘’Thái độ quan trọng hơn trình độ’, thái độ này có thể được xem xét trong toàn bộ quá trình: trước, trong và sau khi phỏng vấn. Câu hỏi thái độ có thể được xen vào tất cả các phần của buổi phỏng vấn. Chắc chắn nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn tìm được một nhân viên có thái độ nhiệt tình, khao khát học hỏi, kiên trì, sẵn sàng đối mặt thử thách, mong muốn cống hiến và phát triển. 

Ví dụ một số câu hỏi riêng biệt để đánh giá thái độ ứng viên:

  • Động lực trong công việc của bạn là gì? Khi mất động lực công việc thì bạn làm gì?
  • Sếp giao một công việc không nằm trong mô tả công việc của bạn thì bạn nghĩ thế nào?
  • Bạn phải làm thêm giờ để giúp đỡ đồng nghiệp mới nhưng sếp không ghi nhận, tính lương ngoài giờ thì bạn có tiếp tục không?
  • Công ty gặp khó khăn và phải giảm lương tất cả nhân viên, bạn có sẵn sàng đồng ý không?
  • Trong cuộc họp, bạn thấy quản lý đưa ra yêu cầu công việc hoặc khen thưởng không thỏa đáng, vậy bạn sẽ làm sao?
Câu hỏi ‘’Bẫy’’
 

Câu hỏi bẫy thông thường là những câu mà đôi khi không cần câu trả lời. Nhà tuyển dụng chỉ muốn xem cách ứng viên ‘’thoát bẫy’’ - thể hiện cả IQ và EQ . Câu hỏi ‘’bẫy’’ này đôi khi được gom cùng phần câu hỏi thái độ (Phần 4) hoặc tình huống (Phần 3) bên trên. 

Ví dụ một số câu hỏi ‘’bẫy’’: 

  • Tôi thấy em đang overqualify (vượt tiêu chuẩn mong đợi) của vị trí này rồi, em nghĩ sao?
  • Nếu trong tình huống bắt buộc thì em chọn gia đình hay công việc?
  • Mức lương mong muốn em đưa ra là quá cao? Em không tham khảo thị trường à? (Giả định tình huống là bạn đã có tham khảo, nhà tuyển dụng chỉ muốn ‘’bẫy’’ vì thực tế họ biết rõ, khác với câu hỏi thương lượng mức lương thật sự)
  • Tôi nghi ngờ thành tích kết quả đạt được em đã ghi trong CV

Vì loại câu hỏi này cũng cùng mục đích xem xét thái độ phản ứng, phán đoán của ứng viên nên nguyên tắc ‘’thoát bẫy’’ cũng gần tương tự như với câu hỏi tình huống và thái độ: không nhất thiết phải có câu trả lời đúng sai, không nên tranh cãi với nhà tuyển dụng mà quan trọng là sự bình tĩnh, nhạy bén, khéo léo. Chú ý rằng các câu trả lời cần phải nhất quán với nhau, vì đó là ‘’sự thật’’.

bộ câu hỏi phỏng vấn 5

Ngoài ra có một loại câu hỏi ‘’bẫy’’ vui đặc biệt mà một số tập đoàn lớn như Google, Apple sử dụng để hack não ứng viên nhưng thực tế các công ty Việt Nam không hay dùng nên nếu có nhu cầu ứng tuyển vào Google, Apple.. thì cần tìm hiểu thêm.
Câu hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?’’cuối buổi phỏng vấn
Phần cuối của buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng gần như sẽ luôn có câu hỏi “ Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?’’ Bỏ qua phần này bằng cách trả lời ‘’Tôi không có câu hỏi gì’’ hoặc nêu các câu hỏi ‘’gây hỏng buổi phỏng vấn’’ đều là những lựa chọn vô cùng đáng tiếc.

Các câu hỏi cần tránh để không ‘’gây hỏng buổi phỏng vấn’’ có thể nêu ra một vài ví dụ:

  • Năm ngoái công ty có đạt doanh số không? Nhân viên được thưởng bao nhiêu phần trăm?
  • Công ty có nhiều vị trí thăng tiến cho nhân viên giỏi không?
  • Quy trình kiểm soát nhân viên và KPI như thế nào?

Các câu hỏi này có thể không sai, nhưng không phù hợp khi được nêu ra trong buổi phỏng vấn, hơn thế nữa những việc như chế độ lương thưởng, thăng tiến, đào tạo nhân viên vốn là điều đương nhiên công ty, bộ phận Nhân sự sẽ cung cấp thông tin. 

Giải pháp là ứng viên nên chuẩn bị sẵn 1-3 câu hỏi trước, có thể hỏi sâu hơn về vị trí, địa bàn công việc, về các tiêu chí văn hóa công ty, về tầm nhìn và sự phát triển của công ty trong tương lai…Lưu ý nhỏ là với một số thông tin công ty đã công bố trên website thì không nên hỏi lại nữa.

Hoặc bạn hoàn toàn có thể xin một vài ý kiến nhận xét đóng góp cho bạn từ phía nhà tuyển dụng.

Không phải trong mọi buổi phỏng vấn bao gồm 6 phần câu hỏi này, nhưng tất tần tật câu hỏi phỏng vấn có thể nêu ra hoặc có thể gặp thì đều quy về một trong 6 loại câu hỏi trên. Mọi sự chuẩn bị kĩ lưỡng sẽ đem lại thành công cao nhất, không cần chờ đợi sự may rủi. 

Phỏng vấn là một cơ hội trong tầm tay của chính bạn!

Call Zalo Messenger