1. Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Chu kỳ sống của sản phẩm hay vòng đời của sản phẩm (tên tiếng Anh là Product Life Cycle) đề cập đến thời gian từ khi sản phẩm được phát triển, ra mắt trên thị trường, đến khi không còn được sử dụng. Đây là một quá trình không ngừng diễn ra và ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của một doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, chu kỳ sống sản phẩm còn thể hiện mức độ tương tác giữa khách hàng và sản phẩm trong từng giai đoạn cụ thể, bao gồm số lượng tiếp cận, số lượng tiêu thụ, và mức độ cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiện nghiên cứu và dự đoán vòng đời của sản phẩm để phát triển chiến lược marketing phù hợp.
2. Nguyên lý hoạt động của chu kỳ sống của sản phẩm
Một sản phẩm trải qua bốn giai đoạn trong chu kỳ sống của nó: triển khai > phát triển > bão hòa > suy thoái. Trước khi tiến vào các giai đoạn này, sản phẩm cần trải qua quá trình thiết kế > nghiên cứu > phát triển. Chỉ khi được đánh giá là có khả năng sinh lời và đáp ứng nhu cầu của thị trường, sản phẩm mới được sản xuất, quảng bá và ra mắt thị trường.
Từng giai đoạn khác nhau trong chu kỳ sống sản phẩm có ảnh hưởng đến cách tiếp thị sản phẩm tới người tiêu dùng. Ra mắt sản phẩm thành công sẽ làm tăng nhu cầu khách hàng và độ phủ sóng sản phẩm, đồng thời loại bỏ sản phẩm cũ ra khỏi thị trường.
3. Vai trò chu kỳ sống của sản phẩm
Vòng đời sản phẩm có những vai trò quan trọng sau:
- Xác định chính xác cho kế hoạch bán hàng và marketing theo từng giai đoạn của vòng đời sản phẩm.
- Tối ưu hóa hiệu suất đầu tư (ROI) khi sản phẩm ra mắt thị trường.
- Điều chỉnh thông điệp marketing để duy trì sự kết nối với đối tượng mục tiêu.
- Tăng thu hút và lòng trung thành từ khách hàng.
- Giúp doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận cao nhất.
Doanh nghiệp không thực hiện quản lý vòng đời sản phẩm một cách hiệu quả có thể đối mặt với những khó khăn như:
- Sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thực tế trên thị trường.
- Tình trạng tồn kho dư thừa.
- Tăng chi phí cho quá trình nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới.
- Gây tổn hại cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
4. Tìm hiểu 4 giai đoạn vòng đời của sản phẩm
Trên góc độ của người tiêu dùng, thường có ba giai đoạn cụ thể và dễ nhận ra nhất: ra mắt > phủ sóng (thấy sản phẩm xuất hiện ở mọi nơi) > biến mất (hiếm khi thấy, hoàn toàn biến mất,…).
Tuy nhiên, đối với người làm kinh doanh, vòng đời của sản phẩm được chia thành bốn giai đoạn khác nhau. Thời gian tại mỗi giai đoạn không được xác định cụ thể mà phụ thuộc vào các đặc tính và tính chất riêng của sản phẩm.
Tóm lại, chu kỳ sống của sản phẩm bao gồm bốn giai đoạn như sau:
4.1 Giai đoạn triển khai
Trong giai đoạn này, sản phẩm mới ra mắt trên thị trường. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong vòng đời sản phẩm. Việc giới thiệu sản phẩm thường kèm theo một chiến dịch quảng cáo lớn và các hoạt động marketing nhằm tăng cường nhận thức về sản phẩm và lợi ích của nó đối với người tiêu dùng.
Đây cũng là giai đoạn mà công ty thường phải chi tiêu một lượng lớn tiền mà không có bảo đảm rằng sản phẩm sẽ có lợi nhuận từ doanh số bán hàng.
Giai đoạn này có đặc điểm:
- Sản phẩm mới chỉ mới bắt đầu tiếp cận thị trường, chưa được đón nhận rộng rãi, và lợi nhuận gần như không hoặc rất ít, thậm chí có thể là âm.
- Ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh nào trên thị trường.
4.2 Giai đoạn tăng trưởng phát triển
Trong giai đoạn này, người tiêu dùng đã quen với sản phẩm và sẵn sàng mua để dùng. Sự hiện diện của sản phẩm đã được chứng minh và trở nên phổ biến hơn, dẫn đến tăng doanh số bán hàng.
Thời điểm này thì cạnh tranh bắt đầu gia tăng. Doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục đầu tư mạnh vào quảng cáo và marketing sản phẩm để vượt qua các đối thủ.
Với sự tăng trưởng đáng kể trong doanh số, thị trường thường có xu hướng mở rộng. Vì thế sản phẩm nên được điều chỉnh để cải thiện chức năng và đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Mục tiêu của marketing trong giai đoạn này chính là tăng thị phần của sản phẩm.
Đặc điểm trong giai đoạn này bao gồm:
- Doanh số bán hàng tăng nhanh.
- Cạnh tranh trên thị trường tăng lên.
- Lợi nhuận cao, có thể đạt đến điểm tối đa.
4.3 Giai đoạn bão hòa
Khi một sản phẩm đã đạt đến mức chín, doanh thu có xu hướng chậm lại hoặc dừng lại hoàn toàn, điều này cho thấy thị trường đã bão hòa. Tại thời điểm này, doanh số bán hàng có thể bắt đầu giảm. Sự cạnh tranh về giá cả và thị trường sản phẩm ngày càng gia tăng.
Marketing trong giai đoạn này tập trung vào việc chống lại cạnh tranh. Các doanh nghiệp thường sẽ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới hoặc thay đổi để tiếp cận các phân khúc thị trường khác nhau.
Đặc điểm của giai đoạn bão hòa:
- Cạnh tranh cực gắt.
- Nhiều sản phẩm tương tự xuất hiện.
- Doanh số bán hàng ổn định.
- Lợi nhuận thấp.
4.4 Giai đoạn suy thoái
Nhiều doanh nghiệp thường cố gắng kéo dài sự tồn tại của sản phẩm trong giai đoạn bão hòa, nhưng không thể tránh khỏi sự suy giảm sản phẩm.
Trong giai đoạn này, doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể và hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi do không còn nhiều nhu cầu về sản phẩm. Doanh nghiệp dần mất thị phần trên thị trường và cạnh tranh khiến doanh số bán hàng giảm sút.
Marketing trong giai đoạn này thường bị hạn chế hoặc chỉ tập trung vào việc giữ chân khách hàng trung thành, hoặc thậm chí là giảm giá để bán được hàng. Cuối cùng, sản phẩm sẽ bị rút khỏi thị trường.
Một vài điểm đặc trưng trong giai đoạn này gồm:
- Doanh số bán hàng giảm.
- Vẫn tồn tại một số khách hàng trung thành.
- Lợi nhuận ở mức thấp nhất.
5. Chiến lược marketing theo 4 giai đoạn sống của sản phẩm
Mỗi giai đoạn của vòng đời sản phẩm có những đặc điểm riêng, vì vậy cần áp dụng các chiến lược Marketing phù hợp cho từng giai đoạn nhằm tối ưu hóa tiềm năng của sản phẩm.
5.1. Giai đoạn triển khai sản phẩm/dịch vụ
- Sản phẩm: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, lập kế hoạch để tăng sản xuất.
- Giá: Áp dụng chiến lược giá thâm nhập giá hoặc giá hớt váng.
- Giá thâm nhập: Đặt mức giá thấp để nhanh chóng tiến nhập thị trường và chiếm lĩnh thị phần sau đó điều chỉnh lại giá theo tăng trưởng của thị trường.
- Giá hớt váng: Mức giá ban đầu cao và dần dần giảm theo thời gian
- Phân phối: Lựa chọn kênh phân phối cẩn thận cho sản phẩm.
- Xúc tiến: Tập trung vào khách hàng tiên phong thông qua quảng cáo thông tin và khuyến mãi.
- Nhân sự: Đào tạo chuyên viên tư vấn, chăm sóc khách hàng để họ hiểu rõ về sản phẩm.
- Quy trình: Hoàn thiện hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đến thị trường.
- Cơ sở vật chất: Tiến hành khảo sát ý kiến và trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm.
5.2. Giai đoạn tăng trưởng
- Sản phẩm: Nâng cao tính năng, kỹ thuật, và tiêu chuẩn của sản phẩm, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
- Giá: Giảm giá để thu hút khách hàng.
- Phân phối: Mở rộng hệ thống phân phối và dự trữ hàng để đáp ứng nhu cầu.
- Xúc tiến: Tăng quảng cáo thuyết phục và các phương án kích thích tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng hình ảnh thương hiệu và bao bì chuyên nghiệp cho sản phẩm.
- Nhân sự: Đảm bảo chăm sóc và hỗ trợ khách hàng chu đáo.
- Quy trình: Nâng hiệu quả của hệ thống phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng.
- Cơ sở vật chất: Nâng cấp hệ thống sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
5.3. Giai đoạn bão hòa
- Sản phẩm: Cải tiến chất lượng, thiết kế, bao bì, và đa dạng hóa nhãn hiệu. Dự đoán thời gian sản phẩm bão hòa và phát triển sản phẩm mới.
- Giá: Điều chỉnh giá cả phù hợp với sự cạnh tranh.
- Phân phối: Phát triển hệ thống phân phối mạnh hơn.
- Xúc tiến: Quảng cáo thuyết phục và nhắc nhở, khuyến mãi và tăng dịch vụ khách hàng cho các khách hàng mới.
- Nhân sự: Đảm bảo chất lượng và tuyển dụng thêm nhân viên mới để đáp ứng nhu cầu lớn nhất.
- Quy trình: Đảm bảo sản phẩm được phân phối đến tay người tiêu dùng đúng thời gian, không cần phải thay đổi hệ thống phân phối.
- Cơ sở vật chất: Tăng cường nhận diện thương hiệu.
5.4. Giai đoạn suy thoái
- Sản phẩm: Thu hẹp danh mục sản phẩm và loại bỏ các sản phẩm không hiệu quả. Chuẩn bị cho việc giới thiệu sản phẩm mới trên thị trường.
- Giá: Tiến hành giảm giá sâu hơn để thu hồi vốn.
- Phân phối: Tái cấu trúc hệ thống kênh phân phối và loại bỏ các kênh không hiệu quả.
- Xúc tiến: Áp dụng chiến lược giảm giá tối đa.
- Nhân sự: Xác định các yếu tố quan trọng mà một nhân sự cần có với công việc và sản phẩm.
- Quy trình: Tối ưu hóa quy trình phân phối sản phẩm trên các kênh hiệu quả nhất.
- Cơ sở vật chất: Xây dựng uy tín thương hiệu và niềm tin trong lòng khách hàng.
6. Cách kéo dài chu kỳ vòng đời sản phẩm
- Đầu tư quảng cáo và bao bì sản phẩm: Tối ưu hóa thông điệp và bao bì để phù hợp với từng nhóm khách hàng, tạo mới hình ảnh sản phẩm.
- Tăng giá trị sản phẩm: Đánh giá lại tính năng và giá cả của sản phẩm, liên tục lắng nghe phản hồi từ khách hàng để cải thiện sản phẩm.
- Thâm nhập thị trường mới và nền tảng mới: Khám phá các thị trường và nền tảng mới để tăng khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường đến nhiều khách hàng hơn.
- Cải thiện chất lượng sản phẩm: Sử dụng công nghệ mới và đổi mới trong thiết kế, tính năng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, làm sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn.
Hy vọng với những thông tin mà Vinalink chia sẻ, bạn đã có thêm nhiều kiến thức hơn về chu kỳ sống của sản phẩm. Hiểu rõ về chu kỳ sống sản phẩm và áp dụng các chiến lược marketing phù hợp tại mỗi giai đoạn sẽ giúp doanh nghiệp thành công trong việc phát triển và duy trì sản phẩm trên thị trường.