CẨM NANG  Tài liệu chuyên ngành Marketing

Mô hình AIDA là gì? Áp dụng AIDA vào quảng cáo, content marketing

18:42 | 18/12/2023
Một trong những mô hình hiệu quả được áp dụng nhiều trong quảng cáo, content marketing là mô hình AIDA. Vậy bạn có biết mô hình AIDA là gì không? Các yếu tố chính của mô hình AIDA là gì? Công thức viết AIDA như thế nào? Hãy cùng Vinalink tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

1. Mô hình AIDA là gì?

Mô hình AIDA là mô hình mô tả lại các giai đoạn nhận thức trong toàn bộ hành trình mua hàng của người tiêu dùng, gồm 4 giai đoạn A (Attention) – I (Interest) – D (Desire) – A (Action) tương ứng với Gây chú ý – Tạo hứng thú – Tạo mong muốn – Hành động. Nhiệm vụ doanh nghiệp cần thực hiện tương ứng ở mỗi giai đoạn là: 

Mô hình AIDA là gì?
Mô hình AIDA là gì?
  • Thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với thương hiệu.
  • Tạo ra sự quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. 
  • Khơi dậy niềm tin của họ với sản phẩm, dịch vụ.
  • Thúc đẩy hành vi mua hàng hoặc dùng thử. 

 Mô hình AIDA được coi là mô hình phân cấp hiệu ứng, hiểu đơn giản là người tiêu dùng phải chuyển qua từng giai đoạn của mô hình trước khi đưa ra quyết định mua hàng. 

2. Vai trò của mô hình AIDA trong marketing

Mô hình AIDA đóng một vai trò quan trọng trong marketing vì nó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả cho sản phẩm, dịch vụ của mình. AIDA sẽ giúp bạn thấu hiểu được người tiêu dùng cần gì ở mỗi giai đoạn từ đó tạo ra được các thông điệp truyền thông, các nội dung quảng cáo hấp dẫn, thu hút và thuyết phục người tiêu dùng mua hàng. 

3. Phân tích 4 yếu tố chính của mô hình AIDA

Để hiểu rõ hơn về mô hình AIDA, hãy cùng Vinalink tìm hiểu chi tiết về từng yếu tố A-I-D-A trong nội dung dưới đây: 

A – Attention: Gây sự chú ý

Giai đoạn thu hút sự chú ý
Giai đoạn thu hút sự chú ý

Đây là giai đoạn đầu tiên trong mô hình AIDA, thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần tạo ra những nội dung hấp dẫn, thông điệp độc đáo để khách hàng cảm thấy tò mò, phải dừng lại để tiếp nhận các thông tin mà doanh nghiệp muốn truyền tải. 

Bạn có thể sử dụng nhiều cách để gây sự chú ý như: Sử dụng tiêu đề hấp dẫn, hình ảnh độc đáo, âm thanh lạ, câu hỏi kích thích tò mò, lời mời gọi hành động, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ … 

I – Interest: Tạo sự hứng thú

Giai đoạn tiếp theo của mô hình AIDA là Interest - tạo sự hứng thú. Đây được coi là giai đoạn có tính thử thách nhất đối với doanh nghiệp khi thực hiện mô hình AIDA. 

Để thực hiện tốt giai đoạn này, doanh nghiệp cần phải cung cấp các thông điệp có tính tác động sâu hơn đến nhu cầu, niềm đau tiềm ẩn sâu bên trong chưa được khai thác của khách hàng. Doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu và tạo ra được những nội dung kích thích sự hứng thú của khách hàng mục tiêu. 

D – Desire: Giai đoạn mong muốn

Desire - giai đoạn mong muốn là giai đoạn tiếp theo trong mô hình AIDA, thường được thực hiện song song với giai đoạn Interest. Khi bạn đánh thức được các nhu cầu, nỗi đau tiềm ẩn bên trong khách hàng thì họ cũng sẽ bắt đầu hình thành những mong muốn về sản phẩm, dịch vụ có thể giúp họ giải quyết các nhu cầu, nỗi đau đó. 

Ở giai đoạn này, bạn cần cho khách hàng thấy được các lợi ích, giá trị của sản phẩm, dịch vụ, thuyết phục họ rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn là giải pháp tốt nhất cho họ. 

A – Action: Hành động

Giai đoạn hành động
Giai đoạn hành động

Giai đoạn cuối cùng trong mô hình AIDA là Action - hành động. Bạn cần thúc đẩy khách hàng ra quyết định thực hiện các hành động mà bạn mong muốn như mua hàng, dùng thử, đăng ký thành viên … Bạn có thể thực hiện một số phương pháp như: 

  • Kết hợp lợi ích với Call-to-action: Hàng giới hạn mua ngay kẻo hết, giảm giá, ưu đãi lớn cho đơn hàng đầu tiên, miễn phí vận chuyển, ưu đãi cho những người đăng ký sớm nhất … 
  • Tối ưu trải nghiệm người dùng: Bạn cần đảm bảo khách hàng cảm thấy hài lòng và thoải mái nhất trong suốt quá trình mua hàng. Quá trình mua hàng phải liền mạch, không bị gián đoạn kể từ khi khách hàng bắt đầu click vào nút “Call-to-action” (CTA) đến khi đơn hàng được đặt thành công.
  • Thông báo, nhắc nhở: Bạn cần thông báo, nhắc nhở khách hàng nhanh chóng hoàn thành quá trình mua hàng do ưu đãi, khuyến mãi sắp hết, cơ hội cuối cùng để được hưởng lợi ích tốt nhất khi mua hàng … 

4. Công thức viết AIDA

Vinalink sẽ hướng dẫn bạn công thức sáng tạo nội dung theo chuẩn mô hình AIDA: 

  • Đoạn 1: Kể công về sự quý giá để có sản phẩm dịch vụ đó, nó không dễ dàng: Ví dụ: Để có được một khóa học marketing thực chiến, Vinalink đã cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành nghiên cứu, tổng hợp các kỹ năng marketing thực chiến và biên soạn giáo trình giảng dạy cho học viên.  
  • Đoạn 2: Liệt kê các giá trị mà khách sẽ hưởng: Ví dụ: Khi tham gia khóa học Marketing thực chiến, học viên sẽ được thực hành ngay trên lớp, được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu, được ưu đãi giá khi đăng ký sớm, được cấp chứng chỉ khi hoàn thành khóa học … 
  • Đoạn 3: Cung cấp bằng chứng thực tế về giá trị của sản phẩm, dịch vụ đã đem lại cho những khách hàng đã sử dụng như thế nào: Ví dụ: video, hình ảnh về học viên tại Vinalink, profile thành tựu của học viên sau khi hoàn thành khóa học tại Vinalink, … 
  • Đoạn 4: Kêu gọi hành động để sở hữu sản phẩm, dịch vụ ngay không thì sẽ muộn: Ví dụ, đăng ký khóa học ngay để được nhận ưu đãi 30%, khóa học giới hạn số lượng học viên, không nhanh sẽ hết suất, … 

5. Những sai lầm thường gặp khi sử dụng AIDA

Những sai lầm thường gặp khi sử dụng AIDA
Những sai lầm thường gặp khi sử dụng AIDA

Khi sử dụng mô hình AIDA trong chiến lược marketing của mình, nhiều doanh nghiệp mắc phải một số sai lầm như: 

  • Không nghiên cứu khách hàng mục tiêu: Điều này khiến doanh nghiệp không thấu hiểu được khách hàng cần gì ở mỗi giai đoạn và vì vậy không xác định được các hoạt động cần triển khai ở mỗi giai đoạn. 
  • Chỉ tập trung vào một giai đoạn: Mô hình AIDA gồm 4 giai đoạn và vai trò của mỗi giai đoạn đều rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể. Do đó, việc chỉ tập trung vào một hoặc một vài giai đoạn nhất định có thể khiến cho việc sử dụng mô hình AIDA của bạn thất bại. 
  • Chưa đạt được hiệu quả ở mỗi giai đoạn: Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ở cả 4 giai đoạn nhưng không đạt được hiệu quả cần thiết ở bất kỳ giai đoạn nào. 
  • Tiêu đề và nội dung không khớp: Doanh nghiệp tạo ra các content có tiêu đề “giật tít” nhưng lại không đồng nhất với nội dung trong bài, khiến người đọc cảm thấy “bị lừa” và mất thời gian vào những nội dung vô bổ với họ. Họ sẽ rời bỏ thương hiệu và tìm đến những thương hiệu có các nội dung đem lại giá trị cho họ. 

6. Ví dụ mô hình AIDA thành công

Ví dụ về một số doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình AIDA
Ví dụ về một số doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình AIDA

Để hiểu hơn về mô hình AIDA, hãy cùng Vinalink tham khảo một số doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình AIDA dưới đây: 

Giai đoạn

Netflix

Coca Cola 

Attention

Netflix sử dụng đa dạng các hình thức quảng cáo khác nhau để tiếp cận và thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng. 

Thông qua các quảng cáo như quảng cáo Youtube và quảng cáo hiển thị Google Adwords, khách hàng sẽ biết về Netflix và các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu cung cấp. 

Coca Cola thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu bằng cách đề cập đến thành phần của các món đồ uống trong mỗi quảng cáo. Tiêu biểu như: Diet Coke, Coke Zero với thành phần không đường, không calo.

Interest

Netflix tạo sự hứng thú cho khách hàng mục tiêu bằng cách giới thiệu bản dùng thử 1 tháng miễn phí. Bản dùng thử sẽ giúp khách hàng có thể trải nghiệm và cảm nhận các tính năng, độ liền mạch, chất lượng trình chiếu trên Netflix.

Coca Cola tạo ra sự hứng thú cho khách hàng tiềm năng bằng cách sáng tạo ra các thông điệp quảng cáo độc đáo, ấn tượng và đánh đúng vào nhu cầu của khách hàng. 

Ví dụ: Mọi người lo sợ sử dụng nhiều thức uống có gas, đường sẽ gây béo phì. Và do đó Coca Cola ra mắt Coke Zero với ý nghĩa thông điệp là: Coke Zero mang đến hương vị tuyệt vời trong khi không khiến bạn tăng cân và vẫn giữ được vóc dáng.

Desire

Khi khách hàng đã dùng thử và quen dần với các trải nghiệm khi dùng Netflix, thương hiệu tiếp tục tạo ra nhu cầu đăng ký gói dịch vụ để tiếp tục sử dụng bằng cách tăng cường các tính năng: 

  • Được sử dụng các sản phẩm sản xuất độc quyền bởi Netflix.
  • Được trải nghiệm chất lượng trình chiếu cao hơn, sắc nét hơn. 
  • Có thể xem trên nhiều thiết bị cùng lúc. 
  • Cho phép truy cập cùng lúc với nhiều hồ sơ trong một gói tài khoản. 
  • Được tải xuống nội dung yêu thích, được phép chặn quảng cáo.
  • Cá nhân hóa quá trình sử dụng: Đề xuất phim, thể loại yêu thích … 
  • Cùng nhiều tính năng mở rộng khác.

Thương hiệu đã truyền tải được giá trị của sản phẩm đối với khách hàng, khiến họ hình thành mong muốn sử dụng sản phẩm để giải quyết nhu cầu của bản thân. 

Ví dụ như: Những người đang giảm cân muốn sử dụng Coke Zero để thỏa mãn sở thích mà không lo tăng cân. 

Action

Khi khách hàng mục tiêu đã hình thành nên mong muốn sử dụng các dịch vụ do Netflix cung cấp với các gói trả phí, thương hiệu thúc đẩy họ ra quyết định bằng cách: Cung cấp đa dạng các gói dịch vụ khác nhau giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn gói phù hợp với nhu cầu. 

Coca Cola đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, máy đồ uống tự động, rạp chiếu phim … giúp khách hàng có thể mua sản phẩm ở mọi nơi. 

 

Qua bài viết, Vinalink đã giúp bạn hiểu rõ về mô hình AIDA. Mô hình này mô tả lại các giai đoạn nhận thức của khách hàng trong suốt quá trình mua hàng, gồm 4 giai đoạn là A (Attention) – I (Interest) – D (Desire) – A (Action) tương ứng với Gây chú ý – Tạo hứng thú – Tạo mong muốn – Hành động. Mô hình AIDA giúp bạn tạo ra những nội dung quảng cáo hấp dẫn, thu hút và thuyết phục khách hàng mua hàng. Hãy áp dụng công thức viết AIDA Vinalink đã chia sẻ để sáng tạo nhưng nội dung quảng cáo, content marketing chất lượng cho doanh nghiệp của bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Call Zalo Messenger