Uniqlo - cái tên không còn xa lạ với giới mộ điệu thời trang trên toàn cầu với những trang phục mang phong cách basic tối giản, không hề lỗi mốt sau nhiều năm sử dụng. Hành trình chinh phục thị trường thời trang đầy khốc liệt của "ông trùm" đến từ Nhật Bản này không thể không nhắc đến những chiến lược Marketing sắc bén và đầy sáng tạo. Trong bài viết này, Vinalink Media sẽ đưa bạn đi sâu vào phân tích chi tiết về chiến lược Marketing của Uniqlo để khám phá bí quyết đằng sau sự thành công vang dội của thương hiệu này.
Cùng bắt đầu nhé!
Uniqlo là một thương hiệu thời trang hàng ngày đến từ Nhật Bản, chuyên thiết kế, sản xuất và bán lẻ trang phục cho mọi lứa tuổi. Thương hiệu được thành lập bởi Tadashi Yanai, bắt đầu từ 22 cửa hàng may mặc nam được thừa kế từ cha ông để lại vào năm 1972. Sau khi trở thành chủ tịch của Uniqlo vào năm 1984, Tadashi Yanai tiếp tục mở cửa hàng Unique Clothing Warehouse tại Hiroshima - sau này được rút ngắn lại thành Uniqlo.
Uniqlo đã nhanh chóng phát triển thành một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng, không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn thế giới với sự hiện diện tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Từ một cửa hàng nhỏ, Uniqlo nay đã trở thành đối thủ cạnh tranh “sòng phẳng” với các ông lớn thời trang nhanh toàn cầu như H&M và Zara.
Uniqlo nổi tiếng với các sản phẩm may từ chất liệu cao cấp với mức giá phải chăng, thu hút đa dạng đối tượng khách hàng. "Made for all" (dành cho tất cả mọi người) là khẩu hiệu chính của Uniqlo trong chiến lược tiếp thị của họ tại Việt Nam và châu Á, khẳng định đây là thương hiệu dành cho mọi người với giá cả hợp túi tiền.
Thành công của Uniqlo không phải là điều ngẫu nhiên mà là kết quả của những chiến lược Marketing bài bản và hiệu quả. Dưới đây là một số điểm nổi bật trong chiến lược Marketing của Uniqlo mà bạn nên tham khảo:
Uniqlo chú trọng vào việc sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu - cơ bản nhất trong ăn mặc hàng ngày của khách hàng. Cụ thể, chiến lược sản phẩm của Uniqlo tập trung vào các mặt hàng cơ bản, phù hợp với đa số người tiêu dùng, phù hợp để sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau cùng với giá cả phải chăng - đáp ứng mục tiêu “Tăng cường cuộc sống” của thương hiệu.
Thay vì chạy theo các xu hướng và mẫu mã như các hãng thời trang nhanh, Uniqlo tập trung những trang phục “basic wear” nhất có thể mà tất cả mọi người - ở các độ tuổi khác nhau đều cần đến. Định hướng này thể hiện tầm nhìn rất xa của ban lãnh đạo của Uniqlo, rõ ràng nhất ở ba điểm sau:
Uniqlo đã tạo nên chiến lược Marketing tập trung vào sản phẩm bằng cách nghiên cứu và phát triển các loại vải mới tốt cho khách hàng thay vì theo đuổi các xu hướng thời trang. Trong đó, các loại vải ứng dụng công nghệ sáng tạo của Uniqlo như HeatTech, AIRism và Lifewear là những minh chứng rõ ràng nhất.
Ví dụ như vải giữ nhiệt HeatTech, sản phẩm này được sản xuất từ chất liệu giữ nhiệt sinh học, giúp giữ ấm cơ thể mà đảm bảo độ mỏng nhẹ - không gây cảm giác nặng nề khi mặc. Công nghệ này đã ghi điểm lớn với người tiêu dùng nhờ khả năng chuyển hóa hơi ẩm thành nhiệt, tạo cảm giác ấm áp dễ chịu trong những ngày đông lạnh. Tính đến năm 2003, Uniqlo đã bán được hơn 1,5 triệu sản phẩm HeatTech chỉ sau khi ra mắt. Sau 10 năm, vào năm 2012, đã có hơn 130 triệu sản phẩm HeatTech được bán ra với nhiều kiểu dáng và loại quần áo khác nhau, mang đến doanh thu cực lớn cho Uniqlo.
Ngược lại với HeatTech, AIRism là một công nghệ vải làm mát nổi tiếng những ngày nóng. Có được hiệu quả này là nhờ kết cấu sợi vải siêu mỏng, đem lại cảm giác thoải mái và mát mẻ cho người sử dụng cho những ngày thời tiết nhiệt độ cao khi hè về.
Các công nghệ này giúp cải thiện trải nghiệm hài lòng của người dùng, giúp họ tin yêu các sản phẩm của Uniqlo hơn - từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thời trang Nhật Bản này thành công như ngày hôm nay.
Khi đặt chân vào cửa hàng Uniqlo, trải nghiệm mua sắm của của khách hàng được đặt lên hàng đầu với tiêu chí "Khách hàng là thượng đế". Nhân viên Uniqlo chào đón bạn với lời chào thân thiện "Chào mừng đến với Uniqlo!" và tư vấn niềm nở. Uniqlo tự hào về phong cách giao tiếp & chăm sóc khách hàng tận tình đúng văn hoá Nhật Bản và luôn muốn quảng bá điều này cho tất cả các khách hàng của mình.
Trong quy trình phục vụ tại cửa hàng, Uniqlo sử dụng khái niệm "Kaizen” để nhằm mang lại sự hoàn hảo vào trải nghiệm mua sắm của khách hàng - giúp người tiêu dùng luôn hài lòng khi đến với thương hiệu thời trang từ Nhật Bản này. Nhằm duy trì quy trình trên bài bản và lâi dài, Uniqlo đã đầu tư nghiêm túc vào đào tạo bằng cách xây dựng Trường Đại học Uniqlo tại Tokyo, nhằm cung cấp 1.500 nhà quản lý cửa hàng mới vững vàng chuyên môn mỗi năm cho các địa điểm kinh doanh của hãng trên toàn thế giới.
Bên cạnh các chiến lược nâng cao doanh số, chiến lược Marketing của Uniqlo còn tập trung vào cộng đồng với các hoạt động mang lại giá trị cho xã hội. Một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất của Uniqlo là chiến dịch tái chế sản phẩm cũ.
Khách khách hàng có thể đem sản phẩm Uniqlo cũ đến cửa hàng để tái chế. Những vật phẩm này được Uniqlo thu thập, sửa chữa (nếu cần) và phân phối miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn như người vô gia cư trên toàn thế giới, giúp họ bớt đi sự khó khăn trong cuộc sống.
Đáng chú ý, tính đến năm 2007, Uniqlo đã hợp tác với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã trao hơn 20,3 triệu bộ quần áo cho người tị nạn toàn cầu.
Ngoài ra, Uniqlo liên tục tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và nâng cao giá trị nhân văn của thương hiệu tại khu vực đó. Ví dụ tại Singapore vào năm 2014, Uniqlo hợp tác với MINDS - một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật trí tuệ - để tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho những “khách hàng đặc biệt” này. Qua hoạt động này, Uniqlo mang lại cho những người này cơ hội áp dụng kỹ năng họ học được tại trường nhằm nâng cao sự tự tin và độc lập trong cuộc sống.
Chiến lược Marketing tài trợ cho vận động viên là một cách thông minh để tăng độ phủ thương hiệu và Uniqlo đã thực hiện điều này thành công bằng việc hợp tác với các vận động viên hàng đầu tại các sự kiện thể thao danh tiếng trên toàn thế giới. Đơn cử với việc đưa Novak Djokovic - vận động viên quần vợt số 1 thế giới vào vai trò đại sứ thương hiệu vào năm 2012, đã giúp Uniqlo mở rộng phát triển mạnh mẽ và chiếm lĩnh thị trường tại châu Âu.
Thấu hiểu được khách hàng tại mỗi thị trường đều có thị hiếu và hành vi khác nhau, Uniqlo đã áp dụng nhiều phương thức tiếp cận đa dạng để tiếp cận thị trường mục tiêu một cách hiệu quả. Cụ thể như sau:
Với các thị trường như Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác, Uniqlo đã khai thác mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng. Tận dụng lợi thế hai mạng xã hội “khổng lồ” với hàng tỉ người dùng là một cách hiệu quả để thương hiệu thời trang từ Nhật Bản này tạo ra tương tác và tăng cường nhận diện thương hiệu trên một phạm vi rộng lớn.
Tuy nhiên, khi tiếp cận thị trường Trung Quốc - nơi mà Facebook và Twitter bị cấm, Uniqlo đã thông qua nền tảng mạng xã hội Renren, được cộng đồng người Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Điều này cho thấy sự linh hoạt của Uniqlo trong thích ứng với môi trường truyền thông địa phương để tạo sự kết nối với khách hàng hiệu quả.
Nhìn chungm, Uniqlo đã thành công trong việc linh hoạt sử dụng các kênh truyền thông khác nhau tại từng thị trường để xây dựng mối quan hệ với khách hàng và tăng cường sự nhận biết thương hiệu, đồng thời thích ứng hiệu quả với các hạn chế và nhu cầu đặc thù của từng vùng địa lý.
Có thể nói, chiến lược Marketing của Uniqlo là một điển hình thành công cho các doanh nghiệp trong ngành thời trang. Nhờ những tư duy & kế hoạch tiếp cận đúng đắn, Uniqlo đã chinh phục được thị trường toàn cầu và trở thành một trong những thương hiệu thời trang được yêu thích nhất hiện nay. Hy vọng qua bài viết phân tích chi tiết chiến lược Marketing của Uniqlo từ Vinalink Media, bạn đã có những ý tưởng & kế hoạch hay để áp dụng hiệu quả trong quá trình tiếp thị & kinh doanh trong lĩnh vực thời trang của mình. Chúc bạn thành công!