Khám phá 7P trong Marketing: Mở Rộng Chiến Lược Tiếp Thị
13:04 | 10/01/2024
Một trong những kiến thức căn bản người học và làm marketing cần nắm được đó là 7P trong marketing. Việc không hiểu rõ các “P” có thể khiến chiến lược marketing của doanh nghiệp không được hoàn hảo, hiệu quả. Hãy cùng Vinalink khám phá mô hình 7P trong bài viết dưới đây!
1. 7P trong Marketing là gì?
7P là thành phần trong chiến lược marketing hỗn hợp của doanh nghiệp. 7P bao gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối, xúc tiến, con người, quy trình và cơ sở vật chất. Vinalink sẽ phân tích cụ thể từng “P” trong nội dung dưới đây:
1.1 Product (Sản phẩm)
Sản phẩm là yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, bao gồm cả các hàng hóa hữu hình và dịch vụ vô hình. Trong marketing, sản phẩm được chia thành ba cấp độ:
Sản phẩm cốt lõi: Mô tả tiện ích mà người tiêu dùng nhận được khi sử dụng sản phẩm, gắn liền với nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, sản phẩm cốt lõi của một chiếc ô tô là giải quyết nhu cầu đi lại, di chuyển của người tiêu dùng.
Sản phẩm hiện thực: Là những yếu tố hữu hình của sản phẩm bao gồm bao bì, thiết kế, tính năng, chất lượng, nhãn hiệu … Người tiêu dùng sẽ sử dụng những yếu tố sản phẩm hiện thực để đánh giá và so sánh giữa các sản phẩm của các thương hiệu khác nhau. Ví dụ, ô tô Toyota có chất lượng bền, thiết kế đẹp, nhiều tính năng hiện đại …
Sản phẩm bổ trợ: Là các lợi ích gia tăng cho khách hàng như bảo hành, tư vấn, lắp đặt, vận chuyển, sửa chữa … Đây là cấp độ quan trọng và rất hữu ích trong cạnh tranh nếu hai cấp độ trên không tạo được sự khác biệt rõ ràng so với đối thủ. Ví dụ, mua ô tô Toyota được tư vấn chi tiết, được sửa chữa tại hãng …
1.2 Price (Giá cả)
Giá cả là số tiền khách hàng cần trả để sở hữu, sử dụng sản phẩm. Giá cả phải phù hợp với giá trị của sản phẩm, có khả năng cạnh tranh với các đối thủ và đảm bảo mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Giá cả được coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cả bốn khía cạnh: nhu cầu khách hàng, khả năng cạnh tranh, định vị thị trường và lợi nhuận của doanh nghiệp:
Nhu cầu khách hàng: Tăng giá có thể làm khách hàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác hay thương hiệu khác vẫn đáp ứng được nhu cầu với có mức phí rẻ hơn. Ví dụ như, giá thịt lợn tăng có thể khiến khách hàng chuyển sang sử dụng thịt gà, cá … Ngược lại, giảm giá có thể giúp kích thích và tăng nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, khách hàng đang có nhu cầu đi du lịch nhưng vẫn lo ngại về giá cả thì một vé giảm giá sẽ giúp họ ra quyết định ngay lập tức.
Khả năng cạnh tranh: Giá tăng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ khác. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không có chiến lược định giá hợp lý thì khả năng cạnh tranh sẽ rất kém.
Định vị thị trường: Giá là một yếu tố quan trọng trong định vị thị trường, nếu bạn định vị là thương hiệu cao cấp, chất lượng cao nhưng lại đặt giá rất thấp thì sẽ không hợp lý.
Lợi nhuận: Giá cả cần đảm bảo cao hơn chi phí doanh nghiệp bỏ ra để doanh nghiệp có thể có lợi nhuận.
“P - Place” là các kênh và phương tiện doanh nghiệp sử dụng để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Phân phối bao gồm các hoạt động như tuyển chọn thành viên kênh (đại lý, nhà phân phối, bán buôn, bán lẻ), lựa chọn cách thức phân phối (trực tiếp hay gián tiếp, phân phối trực tuyến hay tại cửa hàng), định vị kênh hay giải quyết các vấn đề vận chuyển, kho bãi, …
Có ba chiến lược phân phối phổ biến là:
Phân phối rộng rãi: Chiến lược này doanh nghiệp phân phối sản phẩm ở rất nhiều địa điểm khác nhau, để tăng nhận diện sản phẩm và tăng khả năng tiêu thụ. Lĩnh vực hàng tiêu dùng thường sử dụng chiến lược phân phối này.
Phân phối chọn lọc: Chiến lược này doanh nghiệp lựa chọn các điểm phân phối một cách kỹ lượng dựa theo tiêu chí tuyển chọn thành viên kênh họ đã đặt ra. Ví dụ, một số sản phẩm chỉ phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại, không phân phối tại các cửa hàng truyền thống.
Phân phối độc quyền: Chiến lược này sản phẩm chỉ được phân phối tại một nhà phân phối hoặc một nhóm nhà phân phối duy nhất nhằm đảm bảo giá trị hình ảnh thương hiệu. Ví dụ, sản phẩm của các thương hiệu cao cấp thường chỉ được phân phối tại cửa hàng của chính họ.
1.4 Promotion (Xúc tiến)
Xúc tiến là các hoạt động để gây sự chú ý và thuyết phục khách hàng mua, sử dụng sản phẩm. Xúc tiến bao gồm các công cụ như quảng cáo, bán hàng cá nhân, quan hệ công chúng, khuyến mại, marketing trực tuyến …
Xúc tiến đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng biết về sản phẩm và lựa chọn mua hàng. Xúc tiến cần phải truyền đạt được thông điệp rõ ràng và hấp dẫn về lợi ích của sản phẩm, tăng nhận thức và sự ưa thích của khách hàng đối với thương hiệu.
“P - People” là những người liên quan đến hoạt động marketing của doanh nghiệp, bao gồm nhân viên, khách hàng, đối tác và cộng đồng. Yếu tố con người là rất quan trọng, đặc biệt đối với sản phẩm vô hình là dịch vụ.
1.6 Process (Quy trình)
Quy trình là các bước và hoạt động để cung cấp sản phẩm cho khách hàng, bao gồm đặt hàng, thanh toán, giao hàng, hỗ trợ khách hàng và giải quyết khiếu nại. Quy trình cần phải được thiết kế và thực hiện một cách hiệu quả, nhanh chóng và dễ dàng cho khách hàng.
1.7 Physical Evidence (Cơ sở vật chất)
Cơ sở vật chất là những yếu tố vật lý liên quan đến sản phẩm và dịch vụ bao gồm: không gian, thiết bị, đồng phục nhân viên … Cơ sở vật chất cần phải tạo ra sự ấn tượng và trải nghiệm tích cực cho khách hàng, phản ánh được chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Trong môi trường digital marketing, yếu tố cơ sở vật chất có thể là “nơi” khách hàng tương tác với khách hàng như website, mạng xã hội …
2. Tầm quan trọng của mô hình 7P marketing
Mô hình 7P marketing đóng vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp:
Có được cái nhìn toàn diện và chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng.
Xác định được điểm mạnh, điểm yếu của từng yếu tố trong hỗn hợp marketing (marketing mix) và so sánh với các đối thủ cạnh tranh.
Điều chỉnh được các yếu tố trong marketing mix theo thị trường, khách hàng và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Tạo ra sự khác biệt và độc đáo cho sản phẩm của mình, gia tăng giá trị cho khách hàng.
Nâng cao hiệu quả marketing, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận.
3. Cách sử dụng Mô hình 7P trong lập kế hoạch chiến lược Marketing
Mô hình 7P là công cụ giúp doanh nghiệp lập kế hoạch chiến lược Marketing theo vòng đời sản phẩm hiệu quả. Sản phẩm thông thường sẽ trải qua vòng đời gồm 4 giai đoạn là giới thiệu - tăng trưởng - bão hòa - thoái trào.
3.1 Giai đoạn giới thiệu
Đây là giai đoạn mà sản phẩm mới ra mắt thị trường, chưa được biết đến rộng rãi và chưa có nhiều khách hàng. Doanh nghiệp cần phải tạo ra sự chú ý và tò mò cho sản phẩm, khẳng định được sự khác biệt và ưu việt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại. Mô hình 7P có thể như sau:
Sản phẩm
Tung sản phẩm mới ra thị trường. Sản phẩm có thể là một sản phẩm mới hoàn toàn, giải quyết một nhu cầu mới hoặc một sản phẩm được cải tiến từ sản phẩm có sẵn.
Giá cả
Doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược giá khác nhau tùy vào mục tiêu. Nếu doanh nghiệp muốn đạt lợi nhuận nhanh và rời khỏi thị trường thì có thể sử dụng chiến lược giá hớt váng. Nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường thì có thể sử dụng chiến lược giá thâm nhập.
Phân phối
Triển khai các kênh phân phối. Giai đoạn này nên tập trung vào những kênh gần gũi với doanh nghiệp và khách hàng nhất để có thể bán được sản phẩm ngay.
Xúc tiến
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để tăng nhận thức và quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm. Kết hợp với tặng mẫu thử, giảm giá, tặng quà, … để kích thích khách hàng dùng thử, mua hàng.
Con người
Đào tạo và huấn luyện nhân viên để có kỹ năng, kiến thức và thái độ tốt trong việc giới thiệu và bán hàng cho sản phẩm.
Quy trình
Thiết lập quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Cơ sở vật chất
Tạo không gian cửa hàng ấn tượng và xây dựng website, mạng xã hội cho doanh nghiệp.
3.2 Giai đoạn tăng trưởng
Đây là giai đoạn sản phẩm đã có độ nhận diện nhất định trên thị trường và doanh thu bắt đầu tăng trưởng nhanh. Giai đoạn này doanh nghiệp cần gia tăng thị phần, khẳng định vị thế, uy tín của sản phẩm và đối phó với sự cạnh tranh của các đối thủ.
Sản phẩm
Tăng sản lượng sản phẩm, có thể bắt đầu nghiên cứu để gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Giá cả
Sử dụng chiến lược giá phù hợp nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, tăng thị phần và doanh số bán hàng.
Phân phối
Tăng cường và mở rộng các kênh phân phối để tăng độ phủ sản phẩm. Tối ưu hóa quản lý kho bãi và vận chuyển, đảm bảo cung ứng đủ hàng cho thị trường.
Xúc tiến
Tăng cường các hoạt động truyền thông để gia tăng lượng bán và triển khai các hoạt động xây dựng khách hàng thân thiết.
Con người
Tuyển dụng và đào tạo thêm nhân viên để có đủ nguồn lực để phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Nâng cao kỹ năng, kiến thức và thái độ của nhân viên trong việc giới thiệu và bán hàng cho sản phẩm.
Quy trình
Cải thiện và nâng cao các quy trình để cung cấp sản phẩm cho khách hàng một cách hiệu quả, nhanh chóng và dễ dàng.
Tối ưu hóa các bước đặt hàng, thanh toán, giao hàng, hỗ trợ khách hàng, giải quyết khiếu nại.
Cơ sở vật chất
Tăng cường sự ấn tượng và trải nghiệm tích cực cho khách hàng bằng cách chú ý đến các yếu tố vật lý liên quan đến sản phẩm và dịch vụ.
3.3 Giai đoạn bão hòa
Đây là giai đoạn mà sản phẩm đã đạt được thị phần cao trên thị trường, doanh số bán hàng và lợi nhuận ổn định. Doanh nghiệp cần phải bảo vệ và duy trì thị phần, tăng cường sự trung thành của khách hàng, tìm kiếm các cơ hội mới và đổi mới sản phẩm.
Sản phẩm
Đa dạng hóa dòng sản phẩm, tạo ra các phiên bản và biến thể khác nhau cho các phân khúc khách hàng khác nhau.
Giá cả
Duy trì mức giá ổn định để tối đa lợi nhuận.
Phân phối
Duy trì hệ thống kênh phân phối
Xúc tiến
Duy trì các hoạt động truyền thông và tập trung truyền thông chính vào các chương trình khách hàng thân thiết.
Con người
Duy trì nguồn nhân lực của công ty và tập trung khai thác cộng đồng khách hàng đã mua hàng.
Quy trình
Duy trì và vận hành quy trình hiệu quả.
Cơ sở vật chất
Duy trì các yếu tố vật lý để tăng cường sự gắn kết với khách hàng.
3.4 Giai đoạn thoái trào
Đây là giai đoạn mà sản phẩm bắt đầu mất dần thị phần và doanh số bán hàng, lợi nhuận giảm sút. Doanh nghiệp cần phải tìm cách kéo dài vòng đời sản phẩm hoặc cải tiến sản phẩm mới và tìm kiếm các thị trường mới.
Sản phẩm
Cải tiến sản phẩm và ra mắt sản phẩm mới. Loại bỏ các dòng sản phẩm kém hiệu quả.
Giá cả
Có thể giảm giá để phân phối hết sản phẩm và thu phần lợi nhuận còn lại của thị trường.
Phân phối
Giảm dần các kênh phân phối để tiết kiệm chi phí. Đưa các sản phẩm mới vào kênh hiện tại để thử nghiệm.
Xúc tiến
Giảm các hoạt động xúc tiến và lên kế hoạch xúc tiến cho các sản phẩm mới.
Con người
Duy trì nguồn nhân lực của công ty và đào tạo nhân viên về sản phẩm mới.
Quy trình
Phát triển quy trình cho ra mắt và bán sản phẩm mới.
Cơ sở vật chất
Không đầu tư thêm vào cơ sở vật chất cho hoạt động kinh doanh sản phẩm hiện tại.
Để minh họa cho sự hiệu quả của mô hình 7P trong marketing, bạn có thể tham khảo một số case study thành công áp dụng 7P trong marketing của các doanh nghiệp nổi tiếng sau đây:
Phân tích mô hình 7P của Apple
Ví dụ 1: Apple là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Apple đã áp dụng mô hình 7P trong marketing một cách xuất sắc, tạo ra những sản phẩm đột phá và có giá trị cao cho khách hàng. Mô hình 7P của Apple có thể tóm gọn như trong bảng dưới:
Sản phẩm
Apple luôn tập trung vào việc phát triển và cải tiến sản phẩm, tạo ra các tính năng mới và độc đáo, đảm bảo chất lượng cao và an toàn cho người dùng.
Giá cả
Apple áp dụng giá cao cho sản phẩm của mình, nhằm tạo ra sự sang trọng và đẳng cấp cho sản phẩm, thu hút khách hàng cao cấp và có sẵn sàng chi tiêu.
Phân phối
Apple lựa chọn các kênh phân phối: cửa hàng Apple Store, đại lý ủy quyền chính hãng và bán hàng trực tuyến qua website.
Xúc tiến
Apple tích hợp nhiều kênh truyền thông khác nhau để gia tăng nhận thức của khách hàng về giá trị sản phẩm và thương hiệu. Apple cũng sử dụng nhiều chiến dịch PR, ra mắt sản phẩm rầm rộ để thu hút khách hàng.
Con người
Apple có đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm mới và cung cấp dịch vụ của Apple.
Quy trình
Apple có quy trình sản xuất và phân phối chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Cơ sở vật chất
Apple có hệ thống Apple Store sang trọng, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Phân tích mô hình 7P của Starbucks
Ví dụ 2: Starbucks là một trong những công ty cà phê hàng đầu thế giới đã áp dụng mô hình 7P trong marketing một cách thành công, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Mô hình 7P của Starbucks có thể tóm gọn trong bảng dưới:
Sản phẩm
Starbucks cung cấp đa dạng các sản phẩm khác nhau như cà phê, trà, bánh ngọt, đồ ăn nhẹ và các loại đồ uống khác. Các sản phẩm có chất lượng cao, hương vị độc đáo.
Giá cả
Định giá theo giá trị cảm nhận của khách hàng, định giá cao nhờ vào việc cung cấp trải nghiệm cao cấp cho khách hàng.
Phân phối
Hệ thống cửa hàng tại các thành phố lớn trên toàn thế giới. Starbucks cũng có cửa hàng trực tuyến để phục vụ cho những khu vực không có cửa hàng truyền thống.
Xúc tiến
Starbucks sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau như quảng cáo truyền hình, quảng cáo trực tuyến, email marketing và marketing truyền miệng.
Con người
Starbucks có đội ngũ nhân viên thân thiện và chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và thành thạo tiếng anh để có thể giao tiếp với những khách quốc tế.
Quy trình
Starbucks có quy trình vận hành và quản lý hiệu quả, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng cho khách hàng.
Cơ sở vật chất
Starbucks có hệ thống cửa hàng sang trọng, tạo không gian độc đáo và thoải mái cho khách hàng.
Qua bài viết, Vinalink đã giúp bạn nắm rõ 7P trong marketing. Đây là nền tảng của marketing mà bất kỳ người học, người làm marketing đều cần nằm lòng. Bạn có thể hiểu hơn về mô hình 7P thông qua 2 ví dụ về Apple và Starbucks mà Vinalink đã chia sẻ. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!